Pages

Monday, December 7, 2015

Giỗ mẹ



Năm ngoái, sau khi về Mỹ vài hôm đến ngày giỗ mẹ của tôi, do đó tôi không dự được ở quê nhà, cúng vọng một mâm cơm nơi đất khách. Năm nay trước khi về Việt Nam, tôi chọn thời gian về Mỹ sau ngày cúng giỗ mẹ tôi.

Trước năm 1975, tất cả giỗ chạp đều được tổ chức cúng tại nhà cha mẹ tôi, vì xưa kia cha tôi phụng dưỡng bà nội tôi cho đến khi bà qua đời, về phía bên nội, ông nội tôi thứ hai có ba anh em, một người lập nghiệp trên Nhà Bàn, một người lập nghiệp ở làng Hòa Tú Sốc Trăng, ông nội tôi vẫn ở lại làng, lập gia đình với bà nội tôi, là cháu nội nuôi của ông Phủ hồi hưu, là con gái của bà họ Dương, vọng tộc ở trong làng, ngày nay có phủ thờ họ Dương nằm cạnh Đình làng, bà nội tôi có ba chị em gái, một người em gả lấy chồng về Mỹ Hòa thành phố Long Xuyên, người em út gả lấy chồng ở trong làng, do đó ông bà nội tôi thờ tự cả hai bên, đến cha tôi phụng thờ cha mẹ và ông bà nội, ngoại.

Cha mẹ tôi có tạo dựng đất cát và nhà cửa trong làng, đất hương hỏa nhỏ dùng làm nghĩa trang gia tộc và một vườn cây dầu, là loại cây không mấy giá trị.

Mẹ tôi có phần đất chia bên ngoại hơn một mẫu ở cuối làng Phú Hòa, giáp với Vĩnh Chánh, trước thuộc huyện Châu Thành, nay thuộc Thoại Sơn tỉnh An Giang.

Anh thứ Năm của tôi trước năm 1975, có cất nhà trên phần đât của cha mẹ tôi tại cù lao Năng Gù, sau năm 1975 để cho gia đình em gái út tôi ở, rồi dọn về Phú Hòa lập nhà máy xay lúa nhỏ, cất nhà tại đó để dễ trông nom công việc xay xát, dần dần chuyển việc cúng kiến cha mẹ tôi về nhà anh ấy, còn em gái tôi cúng kiến ông bà, vì ngày giỗ chạp, họ hàng vẫn quy tụ về nhà em gái tôi, coi đó như phủ thờ để cúng kiến ông bà.

Nay anh tôi đã mất, con gái đầu lòng cất nhà trên đất mẹ tôi, giữ phần cúng kiến cha mẹ và anh tôi, ngày Tiên thường, tôi từ Sàigòn về nhà ở Năng Gù cúng lạy bàn thờ ông bà, buổi chiều tôi vào chợ Cần Đăng thăm người chị thứ Ba, bảo mấy cháu chiên bánh xèo, nhân bông điên điển với đậu hủ, nhà tôi và tôi ăn chay nên thích ăn món bánh xèo nầy.

Tối chúng tôi ngủ ở nhà đứa cháu trai tại chợ Cần Đăng, nhà tôi thích buổi sáng nhìn cảnh người ta nhóm chợ ngay trước nhà, nhớ câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Thị tại môn tiền náo,
Nguyệt lai môn hạ nhàn.

Chợ Cần Đăng tại Vàm Nha, Long Xuyên

Tôi thích sáng sớm ra ngồi quán cà-phê, ly ai nấy trả, nhưng mọi người cùng bàn luận đủ thứ chuyện “trên trời dưới đất”.

Khi bàn về nguồn nước ngày nay ở thôn quê, cháu tôi cho biết do nguồn nước ở thượng nguồn nhất là Trung Quốc xây các đập thủy điện, năm nay nước không đủ chảy vào kênh, rạch để làm thay đổi nước tháo ra từ các đám ruộng, cánh đồng đã bị nhiễm thuốc trừ sâu, nhất là thuốc trị ốc, là thứ thuốc cực dộc, tắm sẽ bị ngứa ngáy, cá không thể sống, dưới kênh rạch không có cá, trên ruộng đồng không có cua, con người dùng nước nhiễm độc để ăn uống, do đó sanh ra nhiều bệnh tật, nhiều nhất là bệnh về đường ruột.

Vì chị tôi già yếu nên không đi dự đám giỗ được. Do mãi mê nói chuyện với nhà tôi và con gái, hơn nữa đường xá rất tốt, tôi không nhận ra khi xe chạy ngang chợ Phú Hòa, nên tài xế lái phon phon khi tôi nhìn thấy bảng ghi Thị trân Thoại Sơn, tôi mới biết mình đã lạc đường, phải cho xe quay lại.

Khi tôi đến nhà con gái anh tôi, đã có mặt cô em con người dì thứ Sáu của tôi, vợ chồng con trai của chị ba tôi, một lúc có thêm chú em con dì Sáu tôi ở bên Bờ Ao tới.
Tôi nhờ rể của anh tôi dẫn đường đưa đi thăm mộ bà ngoại tôi, lúc nhỏ về quê ngoại, trong phần đất phía sau nhà mợ và các dì tôi chỉ có hai ngôi mộ xây cao, có rào đúc xung quanh, nằm ở ngoài ruộng không xa nhà, nhưng nay con cháu cất thêm nhà, trồng cây ăn trái, những bụi chuối, tôi không thấy được mã mồ, nên nhờ con rể anh tôi đưa đi xuyên qua các bụi chuối, các đám khoai mì, đi trên bờ đê mới tới mộ bà ngoại tôi, cây dại mọc um tùm.

Rào đúc xung quanh mộ còn rất chắc chắn, không có mộ bia, cửa ra vào có hai cánh cũng đúc xi măng, chị thứ tư tôi năm ngoái đã gửi tiền về, cùng con gái anh tôi sơn phết lại vào dịp Thanh Minh, nên trông mộ khá khang trang.

Tôi và Nê

Sau đó chúng tôi đi thăm mộ ông ngoại tôi nằm cách đó chừng 50 thước, hai ngôi mộ xây gần giống nhau, mộ ông ngoại tôi có tấm bia do sơn phết nhiều lần nay chữ Hán đã mờ, có cổng ra vào thấp, không có cánh cửa.

Hoàng rể anh Năm tôi, tôi, Nê người em bạn Dì

Lúc ông ngoại tôi mất, chôn trong phần đất cao ráo, về sau chia đất riêng ra, phần mộ ông ngoại tôi nằm trong đất thuộc về anh của bà ngoại tôi, khi bà ngoại tôi mất, chôn trong phần đất nhà, do đó hai ông bà nằm cách xa nhau.

Tôi và Quận con trai chị Ba tôi

Khi cúng kiếng xong, dọn ăn chỉ có ba bàn, một bàn cánh nam giới, một bàn cánh phụ nữ và một bàn chúng tôi với vợ chồng người quen của cháu gái tôi cùng ăn chay.
 Các em và các cháu tôi

Hai con gái anh tôi phải lo đãi ăn, chuẩn bị quà bánh biếu cho khách khi ra về, bánh ít, bánh tét hoặc trái cây, có thứ ở nhà làm có thứ do khách mang tới góp phần vào việc cúng kiếng, phong tục ở nhà quê là như thế.

Từ trái, dâu chị Ba tôi, con gái tôi, nhà tôi, hai con gái anh Năm tôi

Đám giỗ má tôi năm nay nhìn lại thân nhân, có chị dâu tôi, chúng tôi, cháu có hai chị em con người dì thứ Sáu, cháu nội có hai con gái và rể anh tôi, con gái tôi, cháu ngoại có vợ chồng con trai chị Ba tôi, con trai em gái tôi, cháu chắt có hai đứa và chit có một đứa, đều là cháu ngoại và cháu cố của anh tôi.

Chít của má tôi

Ăn uống xong, chúng tôi ra về, khi đi qua phà Vàm Cống, nhìn xa xa về hướng Đông thấy có nhiều tàu đang xây dựng trụ cầu, hai bên bờ đều có nhiều trụ cầu, riêng bờ Nam đã thấy có nhiều nhịp hoàn tất.

Cầu Vàm Cống đang xây cất

Lúc bận đi khi cách xa thành phố Sa Đéc 16 cây số, trong địa phận huyện Lai Vung, tại một chân cầu, có một lô-cốt xưa còn lại, trên đường Sàigòn tới Châu Đốc thời chién tranh từ năm 1945 tới 1954, tại mỗi cây cầu có xây một lô-cốt bằng gạch, lợp ngói, các lô cốt nầy để canh giữ an ninh, bảo vệ cầu, giữ cho giao thông được thông suôt con đường huyết mạch, đi từ thủ đô đến các tỉnh miền Tây. Đó là chứng tích của chiến tranh Việt Nam, nó là chiến tích oai hùng vì những người yêu nước can đảm chống quân xâm lược Pháp để giành Độc Lập cho Việt Nam ngày 11 tháng 3 năm 1945. 

Duy nhất Lô-cốt xưa còn lại ở miền Nam

Tuyên cáo Độc Lập do Hoàng đế Bảo Đại ban bố như sau:

Cứ theo tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập. Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung. Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên. Khâm thử.

Sàigòn ngày 7 tháng 12 nhăm 2015


No comments:

Post a Comment