Pages

Sunday, November 22, 2015

Họp mặt Truyền thống năm 2015

Nhớ lại lần đầu tiên tổ chức Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-1982, tại Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã 33 năm, năm ngoái tôi có được thư mời nên có đến Trường dự lễ, năm nay tôi không thấy thư mời của Trường, chỉ có thư mời của Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh mời tham dự ngày Họp mặt truyền thống của các CHS Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và Trung tâm Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng tổ chức vào ngày Thứ Bảy 21-11-2015 tại nhà hàng Đông Hồ, thuộc khu vực Hồ Kỳ Hòa, quận 10.
Thư mời 17 giờ 30, tôi muốn đến sớm một chút để tránh bị kẹt xe và muốn xem cho biết năm nay Ban Tổ Chức sẽ tổ chức ra sao ở một địa điểm mới, khác hơn những năm trước tại nhà hang Đoàn Viên trong khu vườn Tao Đàn.
Mặc dù tôi đến sớm hơn 10 phút, đã có vài anh chị bộ phận tiếp tân, MC, văn nghệ giúp vui đã có mặt. Nguyễn Văn Tịnh đến sớm, Nguyễn Hữu Phúc có mặt đúng giờ, để đón tiếp khách và kiểm tra các bộ phận tổ chức như tiếp tân, văn nghệ giúp vui.
 Giáo sư có mặt sớm nhất là Phùng Văn On, sau đó mới có Vũ Duy Thuận, Phan Đình Du và Nguyễn Ngọc Quế.

Có ông Ngô Văn Hai, Hiệu Trưởng Cao Đẳng nghề Nguyễn Tường Tộ, cùng một số giáo viên và các bộ môn được mời tới tham dự, do nhà trường năm nào cũng mời cựu giáo sư và cựu học sinh Trường tới dự Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Rất nhiều cựu học sinh năm nào cũng tích cực tham dự như Phạm Hữu Tâm, Phạm Hữu Hậu, Nguyễn Anh Dũng, Tô Vĩnh Khoa, Tạ Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Quan, Sáu Gobel…, có những cựu học sinh mới tham dự lần đầu như Huỳnh Văn Sen, Sơn, Tường.
Bên cựu nữ sinh tích cực hoạt động như Nguyễn Thị Nở, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Huỳnh Thị Ánh, Trần Kim Mỹ, Nguyễn Thị Oanh, Trần Nguyên Hương, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Thắm, Khiết Tâm, Võ Thị Kim Loan…
Để tránh vì vui vẻ gặp nhau, nhưng lại tạo ra ồn ào khi mở đầu, mặc dù có máy khuyếch âm, nhưng làm cho nhiều người khó tập trung, theo dõi mọi sự tiến hành của buổi lễ trên sân khấu, do vậy năm nay Ban tổ chức cho xếp ghế ngồi để theo dõi diễn tiến lễ, sau đó mới bày bàn tiệc ra. Nhờ đó buổi lễ diễn ra tốt đẹp, mọi người đều có thể theo dõi diễn tiến trên sân khấu.
Cũng như mọi năm Tạ Văn Vàng và Nguyễn Thị Minh Nguyệt dẫn chương trình. Đầu tiên là một phút mặc niệm tưởng nhớ tới quý Hiệu Trưởng, Giáo sư và các cựu học sinh đã quá vãng.
Trước tiên Nguyễn Hữu Phúc đại diện cựu học sinh phát biểu, cám ơn Thầy Cô đã giảng dạy, trao truyền kiến thức, nên ngày nay các anh chị có thể đóng góp tay nghề, xây dựng xã hội, tạo cuộc sống tốt đẹp cho gia đình, tuy nhiên cũng có những người kém may mắn, đời sống khó khăn, tật bệnh và đã sớm lìa bỏ cuộc đời. 


Tôi có được mời phát biểu, đại ý tôi cám ơn Ban tổ chức đã tổ chức để bày tỏ tấm lòng tôn sự trọng đạo, gìn giữ truyền thống đạo lý tốt đẹp giữa xã hội đảo điên, tôi cũng ca ngợi những cựu học sinh đã có mặt, sự hiện diện là một đóng góp ý nghĩa, vì nếu không có các cựu học sinh tham dự sẽ không làm nên ý nghĩa, chào mừng sự hiện diện của ông Hiệu trưởng và các giáo viên Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ đã tham dự, chào mừng các giáo sư của Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và Trung Tâm Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng.
Sau khi phát biểu, tôi được một cựu học sinh trao cho bó hoa tượng trưng cho cựu học sinh dâng hoa cám ơn công lao giáo dục của quý Thầy Cô Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ.

Sau tôi, chị Trần Bình Xuyên, giáo sư TTCN Phan Đình Phùng cũng được mời phát biểu và nhận một bó hoa của cựu học sinh dâng tặng Thầy Cô TTCN Phan Đình Phùng.

Sau đó, Phạm Mỹ Khiết Việt kiều ở Úc là cựu học sinh trở về tham dự họp mặt, đã đọc mấy bài thơ của các bạn học, trong đó có bài Những đứa trẻ ngày xưa của Than Vân lớp 12 T4:
Hôm nay ngày xum họp
Những đứa trẻ ngày xưa
Giờ đã thành trưởng lão
Vẫn kính Thầy yêu bạn
Vói tâm tình huynh muội
Gặp gỡ nhau nơi đó !
Chốn xa xôi tôi ở
Không có hội trùng phùng
Vẫn nhớ thầy cùng bạn
Và nhớ ngày họp mặt
Có lời kính thầy cô
Sức khoẻ và bình an
Các su huynh sư đệ
Quý mến nhau mãi nhé!
Trước khi dự tiệc, có chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm chung, không chụp ảnh riêng từng lớp như mọi năm. Tuy nhiên có rất nhiều người không hiện diện trong hình, vì tranh thủ ra ngoài hút thuốc hoặc trò chuyện.

Sau đó mọi người dự tiệc, có văn nghệ cây nhà lá vườn giúp vui với những màn vũ múa nón, đơn ca, hợp ca.





Trong khi đó, những bàn Nam luôn luôn vui vẻ với những ly bia đầy bọt.

Mỗi năm nhờ có ngày họp mặt truyền thống, thầy trò có dịp gặp thăm hỏi nhau, chuyện sinh sống, chuyện gia đình, nhắc lại cho với những kinh nghiệm vui buồn của đời học sinh.


Tôi được một em đến xin lỗi vì ngày xưa em quậy phá trong lớp, tôi bắt phạt cả lớp quỳ gối. Tôi thật tình không nhớ chuyện nầy xãy ra ở trường Nguyễn Trường Tộ. Tôi chỉ nhớ năm 1970, tôi làm Phụ tá Học vụ và Học sinh vụ trường Kỹ Thuật Y-Út, tôi đã phạt cả lớp ngậm ở miệng cây thước hay cây bút, quỳ gối trên ghế, vì các em khi đi vào lớp ngang qua bàn giáo sư, đã bỏ lên đó mấy con sâu đo, làm cho cô giáo sợ không dám vào lớp, yêu cầu tôi giải quyết các trò chơi tinh nghịch của các em. Tôi phải giảng dạy cho các em biết lễ phép với Thầy cô giáo ở tại trường, tại lớp cũng như ở ngoài xã hội.
Tôi thật sự không còn nhớ chuyện tôi đã phạt các em tại trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, nhất là chuyện phạt tập thể nầy.
Trong những cựu học sinh theo học với tôi, hoặc dưới thời tôi làm Hiệu Trưởng, sau nầy có hai người chuyển ngành từ kỹ thuật sang y khoa, đó là Lê Cẩm Tuấn, con trai của Tổng giám thị Cao Thắng Lê Văn Thống, nay là bác sĩ làm việc tại công ty Vissan và Bùi Huy Hảo nay là bác sĩ khoa thần kinh ở bệnh viện 115. Trong dịp Họp mặt nầy, Hảo hát giúp vui một bản nhạc tình cảm, còn Tú trình bày một bản nhạc kích động, tạo không khí vui tươi.

Nền giáo dục trước năm 1975, dạy cho học sinh biết lễ phép với ông bà cha mẹ với người trọng tuổi, thương người nghèo khó, giúp đỡ người già yếu, bệnh tật, kính thầy mến bạn. Xã hội ngày nay bát nháo, đạo đức suy đồi, lỗi ấy phần lớn do giáo dục mà ra, kế nữa là môi trường xã hội và sau cùng là nền nếp gia đình.


Văn hóa của chúng ta có “Tôn sư trọng đạo” cần phải gìn giữ và phát huy các thuần phong mỹ tục, có như thế mới góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng một dân tộc có văn hóa và đạo đức.






Sàigòn, 22-11-2015

No comments:

Post a Comment