Pages

Thursday, November 12, 2015

Gặp lại lão Vương



Năm nay đi mua sách nhân Ngày hội Sách cũ 2015, tôi có mua quyển Bên lề sách cũ của nhà văn Vương Hồng Sển, tác giả tôi thích đọc từ khi quyển Sàigòn năm xưa ra đời năm 1960 do nhà xuất bản Tự Do ấn hành, cho nên khi gặp những quyển như Thú chơi sách, Hơn nửa đời hư, Nửa đời còn lại tôi đều mua để đọc, vì những chi ông viết, với văn phong riêng, dễ lôi cuốn độc giả, những người muốn tìm hiểu vết xưa, tích cũ.


Đọc mục Tự ngôn, trong Bên lề sách cũ, trang 128 ông viết:

“Tôi xin lấy một tỷ dụ nhỏ: có một địa danh Cơ-me khác là kòh snên ku. Nếu dịch đúng từng tiếng một, thì kòh: cù lao; snên: sừng thú; ku: con bò. Tại sao cổ nhơn không dịch “cù lao sừng bò” mà dịch cù lao Nang Cù hay Năng Gù (nôm).”

Đoạn văn trên làm cho tôi liên tưởng tới gần đây, khi ngồi xe chạy ngang qua bến Phà Năng Gù cũ, tôi trông thấy phía bên kia đường có ngôi chợ mới cất, ghi là Chợ Năng Gù xã Bình Mỹ


Làm cho tôi nhớ đến bài viết Làng tôi, trong đó có nói về bến Phà Năng Gù, đăng trên Blog: Cù lao Năng Gù vào năm 2007:

http://culaonanggu.blogspot.com/2010/11/lang-toi.html

Sau đó có bài viết của nhà văn trẻ Vĩnh Thông, Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù, đăng trên tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 79, tháng 10-2011. 

Tiếp theo Liêu Ngọc Ân có bài Vài suy nghĩ nhân đọc "Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù", đăng trên tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 83, tháng 02-2012. 

Để bảo vệ ý kiến của mình Vĩnh Thông viết thêm bài Tên gọi Năng Gù, nói lại cho rõ, đăng trên tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 84, tháng 03-2012. 

Tiếp theo Trần Hoàng Vũ viết bài Một số vấn đề địa lý - lịch sử của vùng đất Năng Gù, đăng trên tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 91, tháng 10-2012.

Tiếp theo có bài: Vài suy nghĩ nhân đọc "Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù" của Liêu Ngọc Ân đăng trên Blog Nghiên cứu Sử Địa An Giang ngày 07-11-2012.

Lại có bài của Nguyễn Hữu Hiệp: Năng Gù - sự hình thành vùng đất. Đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Phú Tân, ngày 25-03-2013.

Tôi có đăng trên Blog của mình vào ngày 18-8-2013 bài: Tản mạn về Cù lao Năng Gù.


Sở dĩ tôi bàn đến Cù lao Năng Gù vì tôi là người ở Cù lao Năng Gù, viết lại với những gì mà mình hiểu biết. Thời kỳ xe chạy bằng than củi sau năm 1945, tôi còn nhỏ quá, chưa có đi xe hơi, nhưng năm 1950, tôi đã đi một mình từ làng mình xuống tỉnh Long Xuyên thi lấy bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, nghe Résulta không có tên mình, nghĩ là thi rớt, ra bến xe ngày đó bên hông Đình Mỹ Phước, một mình ên đi về nhà. Sau có dán bảng kết qu, ông anh đọc thấy có tên, mới biết thằng em thi đậu.

Thuở đó xe chạy không phải bằng hệ thống thắng dầu, mà bằng bố thắng, xe muốn ngừng tài xế phải đạp thắng một quảng xa xe mới dừng hẳn, hơn nữa ngày xưa xe cộ ít, nhà cửa dân chúng thưa thớt, đường trống vắng nên tài xế có thể chạy tốc độ 5, 6 chục cây số giờ, nhưng để cho xe ngừng đúng chỗ hành khách muốn và hành khách lên xuống nhanh chóng, để xe chạy kịp chuyến, rước được nhiều khách, cho nên khi gần đến những địa danh thường có hành khách lên xuống, khi còn cách xa chừng 2, 3 trăm thước, phụ xế đã báo động cho hành khách, chẳng hạn như: “Đến bến đò Rạch Gộc có ai xuống không ?” Đến bến đò Năng Gù có bà con nào xuống không ?” “Đến bến bắc Năng Gù có ai xuống không, chuẩn bị dùm bà con ?”

Trước 1975, người Nam không dùng danh từ Phà, chỉ dùng Bắc Mỹ Thuận, Bắc Vàm Cống, Bắc Rạch Miễu mà thôi.


Từ năm 1950, nhiều lần tôi đi từ nhà ở Năng Gù đến Châu Đốc, trước là thân phụ tôi sai bảo đi lên Châu Đốc mượn sách của chú tôi là thầy giáo, cho thân phụ tôi đọc hoặc đi mua trà lượng cho thân phụ tôi uống trà vào mỗi buổi sáng, sau lại năm 1954-1956 tôi đi học trường Nam Tiểu Học Châu Đốc. Đi đi về về, nhờ vậy tôi biết bến đò Năng Gù và bến bắc gần nhau, nên phụ xế gọi luôn là “Bắc Năng Gù”. Tên Bắc Năng Gù thành danh tđó.

Tại bến Bắc Năng Gù gần ngôi chợ mới cất, xưa có nhà máy xay lúa, có ống khói cao, vì nó chạy bằng than củi, nay không còn nữa. Bến bắc phía bên kia sông Hậu, có tên là bến đò Nàng Éc, nơi đây xưa có 2 con đò, một con đò đưa qua cù lao Năng Gù và một con đò đưa thẳng qua làng Bình Mỹ, sau con đò nầy thay thế bằng chiếc bắc, trước tiên để đưa đức ông Huỳnh Công Bộ đi lên Sàigòn dự lễ Tết hay Quốc Khánh 26-10 do Tổng Thống Ngô Đình Diệm mời. Chiếc bắc là cái “chẹt” dùng để chở chiếc xe, có con đò máy chạy cập bên, kéo cái chẹt đi. Trước năm 1954, thời Pháp thuộc không hề có chiếc bắc nầy, vì bên vùng Hòa Hảo còn lộ đất, không có chiếc xe hơi nào chạy cả.

Đó là vì sao có tên “bắc Năng Gù”, sau năm 1975 nhà cầm quyền đặt tên là “Phà Năng Gù”, và bỏ bến bắc chỗ bến đò Nàng Éc, cũng như ở phía lộ 91, xưa có tên là đường Liên Tỉnh 10, dời cả 2 bến Phà về địa điểm hiện nay, cốt là để rút ngắn thủy trình của phà..

Có người cho rằng theo địa bạ triều Nguyễn, do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu.

Về thôn Bình Lâm trên cù lao Năng Gù, địa bạ ấy cho biết:
“Bình Lâm thôn, ở hai xứ Rạch Cát, Rạch Chanh.
-Đông giáp sông lớn.
-Tây giáp rạch thông lưu Năng Gù, nhìn sang địa phận thôn Bình Mỹ.
-Nam giáp sông lớn.
-Bắc giáp sông lớn và rừng”.
Còn về thôn Bình Mỹ dọc theo hữu ngạn rạch thông lưu Năng Gù, địa bạ ấy viết:
“Bình Mỹ thôn, ở hai xứ Năng Gù, Trác Thượng Vật.
-Đông giáp rạch thông lưu Năng Gù, giáp thôn Bình Lâm.
-Tây giáp rừng.
-Nam giáp rạch Cây Sung và thôn Bình Hòa Trung.
-Bắc giáp sẻo Dầu và địa phận thôn Vĩnh Thạnh Trung”
Như thế chúng ta thấy rằng Bình Mỹ thôn hay làng Bình Mỹ ngày nay, được xác định ở 2 địa danh là xứ Năng Gù và Trác Thượng Vật mà xứ là tên nơi chốn hoặc là Cù lao Năng Gù hoặc là rạch thông lưu Năng Gù tức là rạch Năng Gù theo Lê Quang Định hoặc xép Năng Gù theo dân gian gọi, trên đất làng Bình Mỹ không có chi là Năng Gù trừ nó dính liền với Xép Năng Gù.
Về nhà thờ Năng Gù xưa nằm trên ấp Bình An thuộc làng Bình Lâm, ấp nầy giáp với làng Bình Mỹ là cái Ranh Hạt, tức là ranh giới của hạt Long Xuyên và hạt Châu Đốc.
Năng Gù là một địa danh có từ lâu đời, đời sống người dân sung túc, nên địa danh ấy có nhiều người biết hơn là làng Bình Thủy, chẳng hạn như Thị Đam, Cù lao Ông Hổ… người ta biết hơn là nói Bình Thạnh Đông, Mỹ Hòa Hưng, do đó có tên Nhà thờ Năng Gù cũng như Nhà thờ cù lao Giêng.
Trên lộ 91, gần giáp giới địa phận quận Châu Thành và Châu Phú, có một con kinh, tên nó là Kinh Ông Quít, mặc dù ngày nay người ta không còn nhớ, biết ông Quít là ông nào, cầu bắt qua kinh ông Quýt, có bảng ghi đúng:


Nhưng có bến đò gần đó đưa người sang cù lao Năng Gù ghi là Bến đò Kinh Quýt:



Có một con lộ từ xã Bình Hòa chạy xuyên cánh đồng ra Lộ 91 ở xã An Hòa, có cầu bắt ngang qua kinh ông Quýt, có bảng ghi là Cầu kinh Quít. Năm, mười năm nữa, trẻ nhỏ lớn lên sẽ nghĩ chắc ở đây có vườn quit, hay có nhiều con quít, nên chiếc cầu bắt ngang qua kinh được đặt tên là “Cầu Kinh Quýt”. 

Tôi mong rằng mình không bị lão Vương mê hoặc, viết vòng vo tam quốc, giá mà trước kia được học với Lão, được nửa chữ của Lão để khỏi viết hưu viết vượn.
Sàigòn, 12-11-2015




No comments:

Post a Comment