Pages

Wednesday, June 9, 2010

Về quê ngoại

Huỳnh Ái Tông
*

Quê ngoại tôi ở Phú Hòa, cách châu thành Long Xuyên chừng sáu , bảy cây số. Hồi nhỏ mỗi lần về quê ngoại cùng với mẹ tôi, thường là bơi xuồng từ sáng tới chiều mới tới, chuyến về mẹ tôi chở lúa đem ra Long Xuyên xay, rồi đem gạo về nhà ăn.

Hồi đó, mỗi lần về quê ngoại, từ má tôi cho đến các chị đều nói là đi Bờ Ao, cái địa danh Bờ Ao ấy sau nầy chúng tôi không dùng nữa, thay vào đó là Phú Hòa, tôi không hiểu tại sao ? Riêng Phú Hòa là một làng, nằm trên đường xe chạy từ Long Xuyên đi Núi Sập, đường đó có thể đi vô Ba Thê, vô Xà Tón rồi đi Hà Tiên.

Sông Long Xuyên chảy vào vào Núi Sập, đến Phú Hòa có một con rạch chạy vào trong cánh đồng chừng một cây số thì con rạch này chia làm hai nhánh, tả ngạn chạy về phía kia nay vẫn gọi là Bờ Ao, hữu ngạn chảy trong địa phận Phú Hòa chừng một cây số rồi vào địa phận làng Vĩnh Chánh. Trước khi tới ngã ba có một cái cầu sắt rất cao, để cho ghe lớn có thể qua lại, vào trong ruộng sâu chở lúa, nay cầu nầy đã đúc xi-măng. Cầu nầy là cầu thứ chín hay thứ mười từ Long Xuyên đếm vào, từ cầu đến ngã ba rạch chừng một trăm thước, xưa kia là chợ Phú Hòa, nay chợ dời chỗ khác. Ngay tại ngã ba rạch đối điện với chợ là đình Phú Hòa, từ chợ qua đình ngày xưa có cầu ván, nay có một chiếc cầu khác, xe hơi qua lại dễ dàng.

Quê ngoại tôi nằm ở cuối làng Phú Hòa, giáp với Vĩnh Chánh, đất của ngoại tôi để lại cho Cậu các Dì và mẹ tôi, gồm có năm người, chia ra mỗi người hơn một mẫu, đất ấy chạy từ rạch Phú Hòa bên này cho đến rạch Bờ Ao bên kia, cho biết cánh đồng ấy không lớn lắm. Cậu Hai và mẹ tôi được chia phần đất bên rạch Phú Hòa, còn các Dì Ba, Dì Năm và Dì Sáu tôi được chia phần đất bên rạch Bờ Ao. Hồi nhỏ, tôi hay nghe người ta kể chuyện về những bãi tha ma ở cuối làng. Cho nên mỗi lần về ngoại, tôi thường ít dám tới đất của mẹ tôi, ở đó vắng vẻ, không nhà cửa, chỉ có những cây sao, vườn chuối, mấy bụi tre, cây xoài, nó chỉ cách nhà ngoại tôi không đầy trăm thước.

Trước khi mẹ tôi lập gia đình, mẹ tôi có nuôi một người con nuôi. Đến khi cha tôi cưới, mẹ tôi để anh ấy làm con nuôi của Cậu tôi.

Khi tôi có đủ trí nhớ thì ngoại, cậu tôi đã mất rồi, mỗi lần về ngoại, chỉ thấy trên bàn thờ một tấm ảnh phóng to bề ngang chừng sáu tấc, cao khoảng một thước, ngoại tôi mặc áo dài ngồi trên ghế có tay, bên cạnh có cái bàn nhỏ chân cheo, tay phải ngoại tôi để trên bàn, cầm chiếc quạt lông chim, tay, tay trái để trên tay ghế, tuy không xòe ra như những người xưa, nhưng cũng thấy đủ năm ngón, chân ngoại tôi mang giày cườm, gương mặt tròn đầy, miệng hơi móm, nhìn ảnh ngoại tôi thấy một bà ngoại hiền hậu, dễ thương, tôi chỉ biết ngoại tôi qua hình ảnh ấy. Anh lớn của tôi hồi nhỏ học ở trường tỉnh Long Xuyên, mỗi lần theo mẹ vô thăm, ngoại thường cho cả xâu tiền.

Dì sáu tôi mất vào năm 1945 hay 46 gì đó, Dì ấy có ba đứa con, thằng lớn nay có vợ trong Núi Sập, em gái kế có chồng buôn bán gạo, cám ở chợ Phú Hòa, còn thằng út làm ruộng trên mảnh đất của Dì tôi. Hồi nhỏ chắc tôi có gặp Dì ấy, nhưng nay tôi không thể nhớ được chút nào về Dì từ khuôn mặt cho đến dáng đi.

Dì Ba tôi, có một anh con trai và hai chị gái, chồng Dì mê vợ bé, bỏ cả vợ con, theo vợ bé sống đâu miệt Thới Lai, Cờ Đỏ ở Cần Thơ, Dì ở vậy nuôi con, lúc về già vào buổi sáng mỗi ngày, Dì trịnh trọng nấu cơm cúng Phật, cúng ông bà trước giờ Ngọ, Dì nấu không có hành hẹ, những thứ kiêng cử ở nhà chùa.

Dì Năm tôi thì ăn trầu luôn miệng, xỉa một cục thuốc to đùng, lúc không xỉa thì Dì nhét thuốc vào môi trên. Dì ít nói mà nói chẩm rãi, về già Dì bị tai biến mạch máu não, nằm một chỗ nhiều năm mới mất.

Hai Dì tôi đều mất sau cuộc đổi đời, ngày tôi đi Học Tập Cải Tạo về, anh tôi vái cúng một con heo. Ngày ấy, hai Dì còn đến nhà anh tôi vái cúng trả lễ dùm. Vài năm sau một Dì bị trúng gió một vài hôm rồi mất, Dì kia nằm lâu ngày bệnh mòn mõi rồi mất.

Hai Dì ấy mất rồi, mỗi lần về quê ngoại, tôi chỉ thăm ông anh con nuôi của Cậu tôi - tuy vậy chúng tôi vẫn xem anh như là con nuôi của má tôi - Chúng tôi gọi anh ấy là anh Hai, anh có vợ con từ lâu, có con gái đầu lòng, đứa con thứ hai là con trai bằng tuổi tôi, từ nhỏ nó vẫn gọi tôi bằng chú, mỗi lần về quê ngoại, hai chú cháu thường đi chơi chung, ban đêm chơi u ấp, cút bắt, ban ngày tắm dưới rạch, vào mùa hè rạch cạn bày sình, nó dẫn tôi đi bắt lịch, chỉ đạp chân xuống sình nơi có lịch, rồi lấy tay bắt lên, con lịch giống như con lươn, nhưng nhỏ hơn, cũng như tôm với tép vậy.

Khoảng năm 1949 hay 50, anh chị Hai cất nhà trong đất mẹ tôi, gia đình anh ở chẳng bao lâu thì chị ấy lâm trọng bệnh rồi mất, không hiểu vì vợ mất buồn hay vì vắng vẻ, anh ấy lại dở nhà, cất lại chỗ cũ bên cạnh nhà Cậu tôi, tôi lại nghĩ đất ấy vậy mà khó ở.

Con Dì Ba tôi, anh Tư Triếu lớn hơn tôi vài tuổi, ngày nhỏ anh cũng hay chơi những trò chơi con nít với chúng tôi, anh cần cù làm ruộng, đất nhà và đất trong kinh Ông Cò, anh không cờ bạc, rượu chè, con cũng chỉ ba, bốn đứa, vậy mà tay làm đủ hàm nhai thôi, anh thuộc loại điếc không sợ súng, nên nhức mình, nhức mẩy là uống bừa Dextancile, anh nói: “Có gì mà sợ, tao uống bừa vậy mà có thấy gì đâu !”.

Dì năm tôi có, chú Hai Thành là con trưởng Nam, chú ấy lớn hơn tôi cả chục tuổi, cũng làm ruộng đất nhà, đất trong Kinh Ông Cò, gia đình chú khá giả hơn, nhà lợp Fibro xi-măng, vách bổ kho, trong nhà chú sắm tủ cẩn thờ, có đôi liễn cẩn xà cừ, chú kết bạn với một người ở Vĩnh Chánh, họ gặp nhau nhậu lai rai nhưng “mút mùa Lệ Thủy”, mấy lần hai tay ấy mời tôi ngồi vào, uống vài tua “xây chừng” cho vui anh vui em, rồi tôi cũng phải chào thua, tìm cách lẫn tránh.

Mấy năm gần đây, tôi không có về quê ngoại thăm anh, thăm em, Nghe nói anh Tư Triếu bệnh ít nhiều rồi mất, chú Hai Thành cũng bị tai biến mạch máu não vài năm rồi cũng mất. Còn lại có anh Hai Thâm, tuổi đã ngoài chín mươi, tai điếc nặng, trước vài tháng anh còn lên thăm hai đứa con gái ở Sàigòn, vài năm nay tuổi già sức yếu anh không còn đi lại như xưa. Cho nên lần này tôi muốn về thăm lại bên ngoại mình, tôi nhờ một đứa cháu đưa tôi đi bằng xe Honda.

Đến nơi tôi mới biết anh Hai Thâm đã mất rồi, vào nhà nhìn lên bàn thờ, tấm ảnh màu rửa không đẹp, trông anh tiều tụy hơn xưa. Tôi đốt nhang cho anh, khói hương lan tỏa, tôi nhớ tới anh vừa mới mất, nhớ tới mẹ tôi mất đã hơn nữa thế kỷ qua, cũng làm tôi liên tưởng tới Ba Đẳng con của anh, cũng đã mất sau khi đi học tập cải tạo về, bỏ lại vợ con côi cút, nghèo khó dù đương thời hắn cũng là Thiếu tá.

Ghé thăm chị Ba Triếu, ghé thăm thím Hai Thành, nhìn thấy họ đều già hết, quanh họ là cháu nội, cháu cố, thân tộc tôi những người dân quê vẫn sống ngày ngày bên mái nhà, bến sông, con nước với ruộng đồng.

Trên đường về cháu tôi cho biết, lúa thu hoạch đã xong mà lái không có đến mua, có lái mua thì trả quá thấp, dưới 4 đồng rưỡi không đủ sở hụi, làm sao dám bán. Làm ruộng năm nay có được mùa cũng như không, còn nhiều người nuôi cá, ít vài chục tấn, nhiều cả trăm tấn, cho ăn mỗi ngày vài chục triệu, đến lứa cũng không có thương lái đến mua, tính ra mỗi ký cá lỗ 5 ngàn, chừng 100 tấn là lỗ nửa tỉ đồng. Lúa không người mua còn chứa vào kho vào lẩm, cá không ai mua, cho nó ăn thì lỗ thêm, không cho ăn, nó tự ăn bùn sình trong ao, thịt cá trở thành đen lái lại càng không mua, người ta có thuốc cho cá ăn để tẩy đen, nhưng trong thịt cá có hàm lượng độc chất cao, bán sẽ bị trả về, còn mình ăn cá ấy khác nào ăn thuốc độc ! Vậy mà mới đây, tôi còn nghe trên TV nói nông dân ở Sóc Trăng, thu hoặch xong, đem lúa ra lộ xe, lái trả giá mua chưa tới 3 đồng một ký !

Đi lâu, trở về thăm quê ngoại, những người thân thuộc anh em tôi hoặc đi làm ăn xa, hoặc mất cả rồi, có những đứa cháu gọi tôi bằng bác, bằng chú, bằng cậu, chào tôi, tôi thấy chúng và tôi cách biệt, mặc dù tình ruột thịt có đó, nhưng chúng không cùng thế hệ của tôi. Nhìn bên kia rạch, xóm nhà Cậu Xã Trí, bà con với mẹ tôi, thân phụ của Trần Kiều, phụ tá của Tướng Nguyễn Giác Ngộ, nhạc phụ của Viện Trưởng Viện Đại Học An Giang Lê Phước Sang, vẫn là một xóm nhà nền đúc, mái ngói xưa, thời gian đã tô thêm rêu phong, cát bụi.

Ngày nay Viện Đại Học An Giang đã mở lại, nhưng cho đến bao giờ nền giáo dục mới đem được ánh sáng văn minh đến cho người nông dân nghèo khó, rửa sạch được nước phèn chua, đã bám chặt vào chân cảng dân quê, truyền từ đời nọ sang đời kia.

Nhìn vào cánh đồng, ruộng lúa đã thu hoạch, cỏ rạ xác xơ, xa xa chừng một cây số là rặng cây xanh mọc theo con rạch Bờ Ao, ẩn mình trong đám lá xanh kia là mái chùa xưa, một đêm năm mươi tư, trong ngôi chùa đó mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng, nơi mà mẹ tôi đã quy y thời còn nhỏ, cũng là một cái phước được nghe kinh kệ vào những giờ phút cuối đời.

Người ta thường nói: “Chết cha đeo cẳng Chú, chết mẹ bú vú Dì”, may mà cha tôi mất trước vài tháng, tôi đã đeo cẳng chú, theo nghiệp chú làm Thầy giáo, noi gương chú sống với Đạo. Nếu tôi đeo cẳng Dì, như mấy đứa em con Dì Sáu tôi, ngày nay chắc tôi cũng đã là một anh nông dân, cày sâu, cuốc bẩm, chân lắm, tay bùn.

Làm ruộng, nuôi cá bán không người mua, trách chi những người trẻ không bỏ ruộng mương, không bỏ xóm bỏ làng, bỏ quê ra tỉnh, hoặc lên Sàigòn tìm những việc làm ở khu công nghiệp, họ kiếm được đồng lương, cũng chỉ đủ tay làm hàm nhai. Có người đi vài năm trở về nhà, tay xách nách mang, trở lại ruộng đồng sống đời dân quê …

Huỳnh Ái Tông

18-9-2008

No comments:

Post a Comment