Pages

Wednesday, June 9, 2010

Trở lại Cali

Chúng tôi đến California để dự lễ Thành hôn của người em họ nhà tôi. Chúng tôi buộc phải tham dự, bởi vì nhà tôi muốn gặp lại bà con họ hàng chẳng những ở Cali, mà còn ở Paris tới, có người từ sau 1975 đến nay chưa gặp, có những người đã 50 năm qua, nay mới có dịp gặp lại. Cho nên chúng tôi muốn kết hợp đi nghỉ Hè, thăm anh chị em Vĩnh Nghiêm và nhóm cựu học sinh Cao Thắng vừa mới liên lạc được.

Ngày Thứ Sáu 23-6-2000, chúng tôi tới phi trường San Jose, anh chị Nguyễn Quang Vui đã đón ở đó, chuyến đi nầy, chúng tôi dự định ở chơi tại San Jose, Santa Ana, và San Diego, mỗi nơi chúng tôi gọi điện thoại hay gửi Email để báo trước, chính anh Nguyễn Quang Vui đã gửi Email cho chúng tôi, với đề mục: (1) Trở Lại Cali, để hỏi về ngày giờ tới Cali, chúng tôi mượn đề mục ấy làm tựa cho bài viết nầy.

Ngay tại phi trường San Jose, tôi nhớ tới Hội Ngộ Vĩnh Nghiêm năm ngoái, anh chị Lê Văn Mạnh sau buổi chiêu đãi tại quán cơm chay với nhiều người tham dự, đã đưa chúng tôi tới phi trường và ngồi lại hơn nửa giờ, để hàn huyên tâm sự.

Trước khi về nhà, anh chị Nguyễn Quang Vui đưa tới quán cơm chay Di Lạc để dùng bửa trưa, vì đã quá bửa nên ăn rất ngon miệng, nhưng thật ra họ nấu chưa có gì đặc biệt, do quán mới mở nên rất sạch sẽ, tiếp đãi trang nhã.

Tôi nhớ, hình như người ta nói : "Cali nắng ấm tình nồng", nhưng vài hôm trước khi chúng tôi đến, nhiệt độ Cali lên đến 120 độ, có đến 10 người tử vong, nhưng trong những ngày chúng tôi đến, trời Cali trong, thời tiết mát mẻ.

Sau khi về tới nhà anh Vui, tôi gọi điện thoại cho anh Nguyễn Thanh Tòng, một bạn học từ năm mới vào Ðệ thất Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, anh đưa chúng tôi tới nhà chơi, sau đó anh gọi tới những người bạn học khác, tất cả đều định cư tại Mỹ theo diện HO. Nhóm nầy, riêng có anh Nguyễn Thanh Bình, là Tổng Thư Ký, Nhóm hay Hội Thương Phế Binh Sàigòn, anh đã bị Mỹ hốt đến xứ nầy khi phong trào Thương Phế Binh lên cao năm 1972. Nhờ anh quy tụ nhóm cựu học sinh Cao Thắng ở Mỹ, nhất là tại San Jose, nên tôi mới có dịp gặp lại nhiều bạn học cũ.

Về lại nhà anh Vui, mặc dù đã tối rồi, nhưng người cô họ của nhà tôi rước về nhà chơi, ngủ lại đêm đó, để hôm sau cùng dự tiệc cưới ở nhà hàng MINH, gần chùa Giác Minh, dự tiệc cưới xong, chúng tôi về lại nhà anh Vui ngủ để sáng Chủ nhật, bạn tôi rước đến Bayland Nature, thuộc thành phố Palo Alto, nơi đó chúng tôi có cuộc họp mặt nhóm cựu học sinh Cao Thắng.

Buổi họp mặt có chừng 15 người tham dự, kể luôn cả gia đình cũng đến nhân số 30. Khi chúng tôi đến khoảng 9 giờ, ngoài anh em và gia đình, còn có giáo sư Phan Hữu Tạt nguyên Giám Ðốc Trường Quốc Gia Thương Mại và phu nhân là bà Dành, nguyên giáo sư Trường Gia Long, buổi họp mặt làm cho tôi nhớ tới những lần họp mặt của Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Các Trường Kỹ Thuật Việt Nam, Hội Trưởng Danh Dự Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, Hội Trưởng Ðô Ðốc Trần Văn Chơn, hội viên đa số là Hải Quân như Ðề Ðốc Chung Tấn Cang ... và giáo sư các trường Kỹ Thuật như Lý Kim Chân, Phan Văn Mão, cũng có Nguyễn Hùng Trương, Giám Ðốc nhà sách Khai Trí. Trong buổi họp mặt nầy, họ kể lại kỷ niệm thơ ấu đời học sinh và nhắc lại đôi nét về cuộc đời binh nghiệp, anh em lại hẹn chủ nhật sau, sẽ dùng xe lửa đi Chinatown ở San Francisco.

Sau khi ăn uống xong, đã hơn 1 giờ trưa, cô họ của nhà tôi đến đón rồi đưa đi San Francisco, gặp nhằm ngày lễ hội Meverich Festival, tổ chức ở khu vực gần City Hall, xe chạy phải luồn lách, rồi cũng đến khu vực chúng tôi thăm viếng, đó là khu dùng để triển lãm hay trình diễn văn nghệ, chúng tôi không vào bên trong mà chỉ đi bên ngoài, nơi đây có những cột trụ khổng lồ xây dựng theo kiến trúc La Mã cỗ, phía trước mặt là một hồ nước rộng, ngày hôm đó nơi đây có nhiều cặp tân hôn Mỹ, Việt, Hoa đưa đến đây chụp ảnh lưu niệm.

Rời nơi nầy, chúng tôi đến Golden Gate, khác với lần Hội Ngộ Vĩnh Nghiêm, lần nầy chúng tôi xuống tầng dưới chân cầu, ở đây có một thành lính xưa, gọi là thành pháo thủ, thành có nhiều tầng, nay không còn sử dụng, nhưng để cho du khách nhớ ngày xưa, nơi cửa ra vào có một người lính gác, mặc đồng phục màu xanh nước biển, vai mang súng trường, bên cạch có một nữ quân nhân, họ đứng đó cho du khách chụp ảnh.

Sau đó chúng tôi qua bên kia cầu, đứng nhìn về phía thành phố San Jose và từng đám mây mù che lấp đỉnh hai trụ treo dây cáp cầu. Từ Golden Gate nhìn thấy một chiếc cầu treo khác ở phía xa kia, nối liền thành phố San Francisco với một hòn đảo và một thành phố khác. Theo lời người Dượng của nhà tôi cho biết, đó là chiếc cầu treo chẳng những dài hơn gắp nhiều lần Golden Gate, mà nó còn hiện đại hơn vì cầu treo ấy có hai tầng, nhưng tu bổ quá tốn kém, nên người ta có ý định phá bỏ để xây cầu khác.

Chuyến về, cô vợ tôi chạy trên chiếc cầu bắc qua vịnh, dài chừng 6 dậm, và đi qua một giao lộ được xây dựng thành chiếc cầu cao giữa thung lũng, từ đó nhìn qua hai bên thấy toàn thung lũng là đèn vàng, cô ấy giải thích: "Những ngọn đèn vàng là đặc trưng của thành phố phát triển về khoa học và kỹ thuật cao cấp, nên nó có tên là thung lũng hoa vàng". Lần đầu tiên tôi mới nghe giải thích như thế, nhưng nó là đèn chớ không phải hoa, chính nhiều người giải thích loại hoa cải hoang màu vàng, xưa tràn lan khắp thung lũng, nay nhà cửa phát triển nên không thấy nhiều, đó mới là xứng danh thung lũng hoa vàng, người Mỹ gọi thung lũng ấy là Valley Silicon.

Mặc dù có hẹn trước, nhưng tôi không làm sao chủ động để đến nhà anh Nguyễn Ðình Thống sớm hơn, khi anh chị Vui đưa chúng tôi đến nhà anh Thống, anh Mạnh bước ra đón tiếp đưa vào. Vì không thể chờ đợi quá lâu, các anh chị đã dùng bửa rồi, chúng tôi thấy ngoài gia chủ, còn có anh chị Lê Văn Mạnh, anh chị Nguyễn Văn Liêm, anh chị Hùng Ninh. Chị Chi dọn thêm thức ăn, chúng tôi bắt đầu, còn các anh chị đến trước hình như đã dùng xong bửa, tôi không thấy các anh dùng thêm, chỉ thấy uống bia mà thôi.

Nhân tiện trong dịp họp mặt, anh Liêm hỏi chúng tôi là Bản Tin có gửi về Việt Nam không ? Anh Thống có nhận xét là Bản Tin không có Nhận Ðịnh, hay nói cách khác là thiếu phần hướng người đọc đi đến một cái gì đó, anh Hùng góp ý thêm nhưng anh Thống đưa ý kiến là hai anh sẽ gặp nhau bàn tiếp về việc đó. Hùng cũng cho biết là Chủ nhật sau sẽ trao cho tôi phù hiệu Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, tôi đã nhờ Hùng trình bày lại dùm từ sau ngày Hội Ngộ. Buổi họp mặt tuy ít người, nhưng mỗi lần như thế tạo thành một chút duyên gắn bó nhau hơn. Nhờ anh Mạnh giúp, tôi tìm được đồng nghiệp Trịnh Như Tích, anh mời chúng tôi hôm sau ăn sáng.

Ngày thứ Hai 26-6-2000, anh Tích đến thăm sớm, chị Ngân mời điểm tâm tại nhà, nhờ anh Tích, tôi hiểu thêm tình hình cộng đồng ở San Jose, còn say sưa trò chuyện nhưng anh Tích phải ra về, để anh Nguyễn Quang Vui đưa chúng tôi ra phi trường, bay xuống Santa Ana. Ðến nơi có anh Tuệ Linh và anh Ngô Mạnh Thu đón, hai anh đưa chúng tôi đến cửa hàng sau chợ 99, nơi đây có quán cơm chay, trong khi chờ đợi dùng bửa, chúng tôi may mắn được gặp Hòa Thượng Hội Chủ đi với một thị giả, tất cả đứng lên chào người. Sau khi dùng bửa xong tất cả ghé thăm cô Hằng. Sau đó chúng tôi đến nhà anh Ngô Mạnh Thu họp bàn một số công việc của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, quyết định Hội Ngộ Vĩnh Nghiêm năm 2001 sẽ tổ chức tại chùa Pháp Quang của Sư Ông Trí Hiền ở Taxas, rồi anh Tuệ Linh có việc phải đi.

Buổi chiều anh chị Ngô Mạnh Thu và chúng tôi trở lại cửa hàng cô Hằng để lấy mấy tấm ảnh, nhân tiện chúng tôi mời tất cả dùng bửa cơm chay ở quán Viễn Hương, nhân đó, cô Hằng mời tối thứ Tư đến nhà cô dùng cơm. Trong bửa tiệc nầy, chúng tôi có nhắc đến Trưởng Tôn Thất Sĩ, Trưởng Liên Phú nay là Thượng Tọa Chơn Kim ở Ðơn Dương, Chị Cung Thị Lan Phương họ đều là Trưởng Gia Ðình Phật Tử Chánh Ðạo nhưng rất gắn bó với Vĩnh Nghiêm, nhất là Gia Ðình Phật Tử Giác Minh và Trường đào tạo Huynh Trưởng A Dật Ða.

Ngày hôm sau, anh Ngô mạnh Thu và anh Tuệ Linh bận không đón đưa tôi đi đâu được cả, nhất là anh Tuệ Linh bận về Ðại Hội 6 Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ, khai mạc vào ngày Thứ Bảy 1-7-2000, tôi liên lạc được một người bạn làm cùng Công Ty ở Việt Nam, anh ta đưa chúng tôi đến thăm chợ Phước Lộc Thọ, tôi cần đến Pháp Quang vì có người gửi mua để thiết lập bàn Phật nơi nhà mới. Tôi chọn chuông cở 2 gang tay chu vi và mõ tương xứng, kinh sách tôi chọn vài quyển, tôi thích nhất là quyển Ðọc Kinh của Vũ Khắc Khoan, do An Tiêm xuất bản năm 1990. Giáo sư Vũ Khắc Khoan là tác giả của Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn, Ngộ Nhận... tôi đã học với ông từ những năm 1964, tôi mến cái dáng vẻ "bất cần đời của ông". Cầm quyển sách trong tay, tôi bổng nhớ tới cụ Nguyễn Ðăng Thục, năm ngoái anh Vui đưa chúng tôi đến chùa Ðức Viên, điểm hẹn để lễ Phật, viếng chùa rồi đi Golden Gate, mọi người chưa đến, trong khi ngồi ở căn lều che tạm, tôi nhặt được một tờ báo, môn sinh đã viết về cụ Thục, sau khi người đã ra đi ở tuổi 92. Tôi cảm động với chi tiết về bức đại trướng viết bằng chữ Hán "Thái Sơn kỳ tài hồ !" (Có nghĩa là núi Thái Sơn đã sập rồi), Tôi đã học với ông nhiều năm, nhưng rút lại còn ở nơi tôi một câu ông thường hay nói : "Vạn vật đồng nhất thể."

Rồi anh bạn chở nhà tôi đi mua thức ăn chay, khi chia tay, anh ta hẹn chiều mai sẽ đưa chúng tôi ra bãi biển Long Beach.

Ngày hôm sau thứ Tư 28-6-2000, chừng 10 giờ sáng anh Ngô Mạnh Thu, gọi điện thoại đề nghị đi thăm Trưởng Bùi Thế San, Trưởng San nguyên Liên Ðoàn Trưởng Gia Ðình Phật Tử Giác Minh, tôi cho biết là có hẹn với bạn vào lúc 4 giờ chiều, làm thế nào cho tôi đừng trễ hẹn. Chừng 2 giờ hơn Trưởng Thu mới ghé đón tôi đi đến Los, Trưởng San bệnh, nay không đi đứng được, chỉ dùng xe lăn, chuyện trò vẫn bình thường. Chị San có tặng cho tôi bức ảnh chụp ngày thành hôn của con gái chị với con của Bác sĩ Trần Ðông A, trong ấy có Bùi Chiếm Hải, anh của Bùi Thế San, năm 1958 đi Lộc Ninh, hai anh em đã trình diễn vũ khúc Trấn Thủ Lưu Ðồn, thấm thoát đã hơn 40 năm qua. Lâu ngày gặp lại, chúng tôi ở chơi khá lâu, nên khi về tới chỗ ở thì đã trễ hẹn với người bạn.

Sau đó anh Tuệ Linh với anh Thu đến đón tôi đi dùng cơm ở nhà cô Hằng, trên đường đi lại đón thêm Trưởng Minh Tín Ðỗ Văn Phố. Khi chúng tôi đến nơi thì đã có Trưởng Lê Xuân Mai và Vũ Ngọc Khuê ở đó, chúng tôi có trao đổi về Gia Ðình Phật Tử Giác Ðạt, về Trưởng Nhật Thường Nguyễn Quang Tú, từ một Gia Trưởng sau 1964 đã trở thành Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh Gia Ðịnh và gần đây đã được thăng Cấp Dũng. Tôi nhờ Khuê tìm giúp cho một tấm ảnh Gia Ðình Giác Ðạt, để đưa vào Tập Kỷ Yếu Gia Ðình Phật Tử Vĩnh Nghiêm sau nầy.

Chúng tôi vào tiệc khoảng 10 giờ đêm, sau đó người bạn đời của Hằng về, bửa tiệc kéo dài chừng 1 giờ, sau khi dùng trà, tôi nhìn đồng hồ đã hơn 11 giờ 30, nên xin kiếu từ. Anh Tuệ Linh chở anh Thu và tôi, Khuê chở chị Mai và anh Phố. Tôi về đến nhà đã quá nửa đêm, người cô họ và nhà tôi vẫn còn thức hàn huyên để đợi tôi về.

Ngày thứ Năm 26-6-2000, anh Trần Ngọc Lạc đến đón chúng tôi, về tới San Diego đã quá Ngọ, chúng tôi vào ăn Buffet một cửa hàng của Mỹ, bán toàn thức ăn chay, bây giờ tôi mới biết thêm, anh Trần Ngọc Lạc đã trường trai, sau khi anh về hưu anh đã giữ chức Chủ Tịch Hội Ðồng Quản Trị chùa Vạn Hạnh. Anh đã ở San Diego từ 1975 đến nay, từng góp sức vào xây dựng chùa nầy lúc khởi đầu, năm 1995 anh có đưa tôi đến dây viếng chùa, lúc ấy Thượng Tọa Phước Thuận trú trì, Hòa Thượng Trí Chơn cũng đã từng Trụ trì chùa nầy. Từ lâu anh đã không gắn bó với chùa, năm ngoái nghe anh nói phải trở lại vì chùa đang gặp phải khó khăn về tài chánh. Trước khi sang Cali, tôi còn được Email của chị Hồng Loan cho biết : Qua Ðại Hội ngày 4-6-2000 tại San Diego, Liên Ðoàn Huynh Trưởng Truyền Thống GÐPT Việt Nam Tại Hoa Kỳ, đã cải danh thành Liên Ðoàn Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ thuộc Tổng Vụ Cư Sĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ.

Sau khi dùng bửa, anh Lạc đưa chúng tôi về nhà, không thấy chị Loan nên anh đưa chúng tôi đi viếng chùa Vạn Hạnh, trong sân chùa có một tượng đức Quán Thế Âm, trước ở về phía tay trái, nay an vị lại giữa sân, hướng mặt ra đường, chúng tôi vào lễ Phật, vãng cảnh. Thầy trụ trì đi vắng, anh Lạc trao đổi vài câu chuyện với người ở chùa rồi ra về.

Về lại nhà mới biết chị Loan đã đi làm về từ trước, vì không thấy chúng tôi đến nên chị đã đi chợ mua vài thứ thức ăn. Ngồi ở bàn ăn nhà anh Lạc, chúng tôi nhìn thấy bức Thập Pháp Giới Tâm do Nhóm Tu Học Hoa Sen thực hiện, đó là do anh Minh Ðức Bùi Ngọc Bách trình bày và những câu Kinh, Kệ tinh yếu, anh Lạc trích ra đôi đọc rất tâm đắc. Trong khi ăn cơm, tôi đã hỏi anh Lạc và chị Loan về những ngày đầu của GÐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ngày thứ Sáu, chị Hồng Loan lấy ngày nghỉ cùng anh lạc, đưa chúng tôi đi sở thú, có con gấu Trung Quốc Panda, quý hiếm, sở thú ấy thuê của Trung Quốc. Ðây là một sở thú đứng hàng thứ ba trên thế giới, đặc biệt trồng nhiều tre khác loại, nhiều giống nai, dê. Chúng tôi mua vài tấm thiếp của sở thú, anh Lạc mua tặng chúng tôi mỗi người một chiếc áo in hình con Panda.

Buổi chiều, anh chị Lạc đưa chúng tôi đến Downtown của San Diego, đến khu phố cổ sát bờ biển, ở đó nhìn thấy những căn nhà xây cất theo kiểu thế kỷ 18, nhà nọ cách nhà kia vài ba thước, đường xá quanh co, nay những căn nhà ấy bày bán hàng kỷ niệm hay quán ăn, ra bờ biển nhìn thấy cầu Colorado khá dài và cao, bên kia có Hàng không mẫu hạm đậu, có mấy chiếc xe lôi đạp chở du khách đi viếng phố.

Rời nơi đó, chúng tôi đi đến một bải tắm, nơi đó ít người, gió biển thật mát mẻ, nhiều con chim hải âu tập trung thành đàn trên bải cát, vài con đi lại trên bải cỏ xen lẫn với người đi dạo, vài con xòe đôi cánh lướt gió, đúng là phong cảnh thái bình.

Ngồi chơi khá lâu, trời đã chiều chúng tôi mới ra về. Về đến nhà anh Lạc dùng cơm xong thì trời đã tối, lúc ấy anh Bách gọi điện thoại tới, chúng tôi hỏi thăm nhau rồi hẹn sáng mai gặp lại.

Tám giờ sáng, chúng tôi sẳn sàng trở lại Santa Ana, đến thăm anh Bách, anh đưa cho tôi bài đăng báo Phật Học, Tranh Chăn Trâu, Thập Pháp Giới Tâm, từ giả anh, chúng tôi trở lại nhà người thân lấy hành lý rồi anh Lạc chị Loan đưa ra phi trường trở lại San Jose.

Về tới san Jose, gọi điện thoại, anh Vui ra đón, về tới nhà anh Vui một chốc thì nhóm bạn Cao Thắng rước tôi về nhà họ ăn cơm, hẹn tôi ngày mai đi xe hỏa đến Cựu Kim Sơn chơi, tôi nhớ Khánh Ninh cũng sắp chương trình như thế, theo ai bỏ ai ? Trong khi đó nhà tôi được cháu Nghi, con anh Vui đưa đi khắp các chợ.

Sáng sớm ngày Chủ Nhật 2-7-2000, bạn tôi đến rước đi ra bến xe lửa, tôi phải viện lý do cần phải đi với chị Ngân chủ nhà, cũng dùng xe lửa và ra phố Tàu, họ đưa cho tôi 2 vé mua sẳn, khước từ cũng không xong. 7:30 Khánh Ninh gọi điện thoại tới, chị Ngân và anh Vui chưa về, Khánh Ninh tranh thủ chạy xe tới rước, rồi chị Ngân cũng về tới. Trên xe Lê Hùng lái, có người thím, người chị, Khánh Ninh, Chi tất cả 8 người, thế là chúng tôi lên xe, ra trạm vừa đúng chuyến 8 giờ 30, xe chạy mất 1 giơ1 30 phút, sau đó chúng tôi lấy vé xe bus đường 15, xe chạy qua Phố Tàu đến Pier 39, lúc ngang qua một ngân hàng, tôi nhác thấy nhóm Cao Thắng đang nghỉ chân, ngồi ăn trái cây.

Pier 39 đó là bến tàu số 39, nơi ấy bán vé đi ra đảo có nhà tù - nhà tù nầy, có một tù nhân vượt ngục chẳng biết anh ta ra sao, chuyện thật có quay thành phim, thời Kennedy nhà tù ấy đã bỏ, nay chỉ để du khách tham quan, chúng tôi không ra đảo tù, mà lấy vé đi vòng chân cầu, vòng quanh đảo tù, thời gian 1 giờ, thật là thú vị, hôm đó rất lạnh, và du khách khu đó rất đông người, đi lại tấp nập như hội chợ vậy. Sau đó chúng tôi trở lại phố Tàu vào nhà hàng Kim Long dùng bửa ăn trưa, Hùng bảo: "Ðến phố Tàu mà không ăn một tô mì thì phí đi." Sau đó chúng tôi đi mua sắm vài thứ, rồi lên xe bus trở lại bến xe lửa để đi về, vé xe bus mua buổi sáng, ai đó đã phát hiện trên vé ghi dùng được 2 lần bất cứ đi chiều nào, kẻ bảo được, người bảo không rốt cuộc tấm vé xe bus đi được 3 chuyến, mua vui được mấy trận cười. Lên xe lúc 6 giờ, về đến nhà anh Vui hơn 8 giờ.

Sáng thứ Hai 3-7-2000, chúng tôi thức dậy sớm xếp thức ăn, cây kiểng vào thùng rồi ngồi ăn sáng, uống trà với anh Vui, chị Ngân đi khám bác sĩ. Anh Vui nói qua về tình hình Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước, về GÐPT, anh muốn làm thế nào cho anh chị em Gia Ðình Phật Tử nhận rõ tình hình, có thái độ hành sử, để cùng nhau thống nhất thành một khối, hình thái tổ chức dù có khác biệt, nhưng phong trào san bằng mọi dị biệt, tương thân, tương ái thống nhất và đoàn kết với nhau, vì Gia Ðình Phật Tử chỉ có một màu Lam mà thôi.

Anh Vui hỏi tôi sao không tham dự Ðại Hội Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ. Tôi trả lời anh: "Rất muốn tham dự, nhưng tiếc là không có thì giờ".

Trên đường ra phi trường, anh vẫn còn nhắn nhũ với tôi, anh đem hết nhiệt tâm và lòng thành của mình để gửi gắm vào tình đoàn kết bất khả phân. Tôi hy vọng một ngày nào đó, anh sẽ vui, vì chuyện khó nhưng mọi người chúng ta đồng tâm nó sẽ trở thành hiện thực.

July 4th. 2000

No comments:

Post a Comment